Câu lạc bộ tiếng Trung

Học tiếng Trung Quốc – Xu hướng mới trong hội nhập toàn cầu

Ngày 01/12/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo (GD&ĐT) ban hành Quyết định số 4119/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục lớp 5 và sách giáo khoa tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Đây là hoạt động bình thường, theo đúng kế hoạch thẩm định, phê duyệt danh mục sách giáo khoa các môn Ngoại ngữ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm 2022, cùng với tiếng Anh, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt sách giáo khoa tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Pháp lớp 3 để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Năm 2023 đợt 1 phê duyệt các sách giáo khoa của lớp 5, trong đó có 10 bản sách tiếng Anh và các môn học khác cùng với tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4. Dự kiến, trong tháng 12/2023, tiếp tục phê duyệt sách giáo khoa của các môn tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Nga.

 

Tuy nhiên, sau khi Quyết định trên được ban hành, trên mạng xã hội xuất hiện các thông tin xuyên tạc, bình luận tiêu cực, lệch lạc về nội dung Quyết định; trang facebook-Chân Trời Mới Media xuyên tạc “Tại sao học sinh Trung Quốc học tiếng Anh mà học sinh Việt Nam bị buộc học tiếng Trung…”; tác giả bài viết này xin trao đổi một số nội dung để làm rõ giọng điệu lệch lạc nêu trên.

(1) Tiếng Trung Quốc là môn học trong chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12. Là một trong những môn học công cụ ở trường phổ thông, môn tiếng Trung không chỉ giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Trung Quốc mà còn góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung, để sống và làm việc hiệu quả hơn, để học tập tốt các môn học khác cũng như để học tập suốt đời. Môn học tiếng Trung cung cấp cho học sinh một công cụ giao tiếp quốc tế quan trọng, giúp các em trao đổi thông tin, tri thức khoa học và kỹ thuật tiên tiến, tìm hiểu các nền văn hoá, đặc biệt là văn hoá Trung Quốc, qua đó góp phần tạo dựng sự hiểu biết giữa các dân tộc, hình thành ý thức công dân toàn cầu, góp phần vào việc phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân. Thông qua việc học tiếng Trung và tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau, học sinh có thể hiểu rõ hơn, thêm yêu ngôn ngữ và nền văn hóa của đất nước mình.

(2) Mục tiêu cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Trung là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, chữ Hán, từ vựng, ngữ pháp). Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh phổ thông nhằm giúp các em đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, cụ thể là học sinh kết thúc cấp Tiểu học đạt bậc 1, Trung học cơ sở đạt bậc 2, Trung học phổ thông đạt bậc 3. Thông qua môn tiếng Trung, học sinh có những hiểu biết sâu rộng hơn về đất nước, con người, nền văn hoá Trung Quốc; hiểu và tôn trọng sự khác biệt của các nền văn hoá, đồng thời bước đầu giới thiệu được văn hoá Việt Nam bằng tiếng Trung Quốc; phát triển các phẩm chất yêu đất nước, con người, trung thực, nhân ái và có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng.

(3) Thế giới đang trong quá trình toàn cầu hoá mạnh mẽ, vừa tạo ra những cơ hội, vừa đặt ra những thách thức đối với mỗi quốc gia, mỗi cá nhân. Để có thể cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, học sinh cần liên tục phát triển năng lực cập nhật kiến thức và kỹ năng của mình. Việc học tập không dừng lại khi học sinh tốt nghiệp phổ thông mà vẫn tiếp tục ngay cả khi các em không theo đuổi con đường học hành. Do đó, Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Trung tạo lập cho học sinh những phương pháp học tập phù hợp, từng bước định hướng và hình thành cho học sinh thói quen học tập suốt đời. Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Trung giúp học sinh phát triển các kỹ năng và năng lực cần thiết để trở thành người học độc lập, tận dụng các cơ hội từ giáo dục chính quy và không chính quy để đáp ứng nhu cầu học tập cá nhân. Cùng với việc giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực tự đánh giá những kiến thức và kỹ năng của bản thân để định hướng phát triển trong tương lai, Chương trình trang bị cho học sinh nền tảng vững chắc để hình thành và phát triển các kỹ năng học tập độc lập, học tập suốt đời, qua đó góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai để các em có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

(4) Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang bước vào thời kì hội nhập và phát triển. Ngôn ngữ chính là công cụ giao tiếp đóng vai trò quan trọng để bước ra thế giới. Trong đó, tiếng Trung là một ngôn ngữ phổ biến và thông dụng. Việc thông thạo ngoại ngữ sẽ giúp mọi người có nhiều cơ hội hơn trong cả học tập và lao động, ngày càng có nhiều người học tiếng Trung; bên cạnh tiếng Anh, tiếng Trung là ngôn ngữ rất phổ biến và sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thông kê có gần 1/6 dân số thế giới biết tiếng Trung, đây cũng là 1 trong 6 ngôn ngữ chính thức của Liên hợp Quốc; đến nay hơn 70 quốc gia trên thế giới gồm Anh, Nga, Nam Phi, Nhật Bản, Hàn Quốc Australia,… đã chính thức đưa tiếng Trung vào hệ thống giáo dục quốc gia; hơn 4.000 trường học trên thế giới đã đưa các khóa học tiếng Trung vào trong chương trình giảng dạy của mình. Ước tính, có 25 triệu người đang học tiếng Trung và hơn 200 triệu người đã học tiếng Trung trên toàn cầu; hiện có hơn 30 triệu người Trung Quốc sống ở Đông Nam Á, chiếm khoảng 6% dân số của khu vực; điều này đã đặt nền tảng vững chắc cho việc dạy và học tiếng Trung trong khu vực. Khi quan hệ kinh tế thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN ngày càng khăng khít, nhất là gần đây ASEAN đã trở thành đối tác xuất nhập khẩu đứng thứ 2 ở Trung Quốc, xu hướng sinh viên Trung Quốc chọn học các thứ tiếng trong khu vực cũng tăng lên. Nhiều trường đại học của Trung Quốc cũng bắt đầu mở khoa dạy tiếng Việt để đón đầu xu thế khi quan hệ kinh tế thương mại giữa Trung Quốc – ASEAN ngày càng tốt lên cũng như quan hệ kinh tế Trung Quốc – Việt Nam cũng đang trên đà rất tốt. Hiện nay, có khoảng 25 trường đại học ở Trung Quốc có khoa Tiếng Việt hay dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, nhiều nhất là các tỉnh phía Nam, giáp biên giới Việt Nam như: Vân Nam, Quảng Tây…Như vậy với những nội dung trao đổi nêu trên đó là cơ sở lý luận, là thực tiễn khoa học, là xu thế học tiếng Trung không chỉ ở Việt Nam, Đông Nam Á mà trên toàn thế giới, bác bỏ hoàn toàn giọng điệu xuyên tạc lệch lạc của các thế lực thù địch.

Các tin liên quan