PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), chia sẻ thêm về định hướng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo ông Thành, năm 2024 là năm cuối cùng học sinh (HS) học Chương trình GDPT 2006 thi tốt nghiệp và kỳ thi sẽ giữ ổn định như năm 2023. Theo đó, nội dung thi sẽ bám sát chương trình THPT chủ yếu là lớp 12. Các em ôn tập dựa vào mạch kiến thức cốt lõi của chương trình lớp 12 và kiến thức của các lớp dưới có sự liên quan, tiếp nối với các nội dung kiến thức của lớp 12
Với sự hướng dẫn của thầy, cô giáo các em có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để hệ thống hóa kiến thức. Ví dụ lập bảng, vẽ sơ đồ, bản đồ tư duy hay làm đề cương tóm tắt những nội dung kiến thức quan trọng, cốt lõi theo cách mà các em thấy có thể dễ nhớ, dễ hiểu nhất.
“Các thầy, cô giáo không nên yêu cầu HS làm quá nhiều bài tập, đề thi có cùng dạng mà có thể chỉ cần làm với số lượng vừa đủ nhưng bao quát hết các dạng bài tập tương ứng với yêu cầu của nội dung cốt lõi. Làm sao để HS nắm vững kiến thức, có khả năng ứng dụng, có khả năng so sánh, thấy rõ mối quan hệ giữa các đơn vị kiến thức. Việc làm bài tập, thực hành là cách soi rọi lại phần kiến thức đã được hệ thống hóa trước đó”, ông Thành lưu ý.
Liên quan đến chủ trương đề thi sẽ tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn, ông Thành cũng lưu ý: “Các em cần chú ý tới các câu hỏi mở liên hệ với thực tiễn cuộc sống, yêu cầu vận dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Những tình huống cuộc sống trong câu hỏi thi có thể không có trong sách, trong nội dung bài giảng nhưng khi đã nắm vững kiến thức cơ bản các em đều có thể đáp ứng được yêu cầu”.
Trong quá trình ôn tập cho HS tại các nhà trường, ông Thành cho biết Bộ GD-ĐT cũng đã có lưu ý các trường tổ chức phân loại trình độ HS để có kế hoạch ôn tập sát với các nhóm đối tượng. Tùy theo các nhóm đối tượng HS, thầy cô có thể cung cấp thêm cho HS tài liệu tham khảo để luyện tập thêm nhưng không nên quá nhiều gây nên sự quá tải không cần thiết. “Có một căn cứ khác để HS tham khảo khi ôn tập là đề thi tham khảo của các môn thi do Bộ GD-ĐT đã công bố. Các em HS có thể xem để biết cấu trúc, cách hỏi trong đề thi. Nhìn vào đề thi tham khảo các em có thể phân biệt được các câu hỏi ở những mức độ khác nhau. Từ đó có định hướng ôn tập và cũng không bị bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi chính thức”, ông Thành nói.
Liên quan đến việc HS có nên tham gia các kỳ thi thử, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cho biết: “HS có thể tham gia thi thử do các trường tổ chức nhưng không nên quá nhiều. Các em cũng cần lưu ý không phải đề thi thử nào cũng bảo đảm sát với yêu cầu của chương trình. Vì thế, kết quả thi thử cũng có thể sẽ không phản ánh đúng khả năng của bản thân. Nếu không xác định rõ điều này, các em có thể hoang mang, lo lắng khi bị điểm thấp hoặc chủ quan khi có điểm cao. Cả hai trạng thái tâm lý này đều không tốt cho các em khi bước vào kỳ thi chính thức.
Vì rất nhiều HS dự thi tốt nghiệp THPT cũng đồng thời tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển ĐH, PGS Nguyễn Xuân Thành lưu ý: “Các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực hay thi tốt nghiệp THPT đều bám sát nội dung chương trình phổ thông mà HS đã được học. Vì thế, để đáp ứng tốt các kỳ thi, các em phải nắm chắc kiến thức cơ bản của các môn học ở bậc phổ thông và đảm bảo không học lệch mà dành thời gian đều cho việc học và ôn tập tất cả các môn học. Để không quá tải, các em nên nắm chắc kiến thức cơ bản ngay trong quá trình học”.
Tuyết Mai
Nguồn: https://thanhnien.vn/de-khong-qua-tai-khi-on-thi-tot-nghiep-thpt-va-danh-gia-nang-luc-185240308223514328.htm
Lý do bạn nên chọn học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại FBU
Lý do bạn nên chọn theo học ngành Kế toán tại FBU
Lí do bạn nên chọn học ngành Kinh doanh thương mại FBU
Vì sao chọn ngành Quản trị kinh doanh tại FBU
Điều thu hút học ngành Luật kinh tế tại FBU
Lợi thế ngành học Tài chính Ngân hàng tại FBU