Hỗ trợ tuyển sinh

Phân biệt ngành Kinh tế, Tài chính và Quản trị Kinh doanh

Các điểm giống nhau của Kinh tế, Tài chính và Quản trị Kinh doanh

1. Xoay quanh đồng tiền

Cách nhìn nhận về tiền sẽ khác nhau trong mỗi ngành nhưng về cơ bản thì cả ba đều dựa trên nền tảng chung là đồng tiền. Cái gì liên quan đến tiền đều cần sự nguyên tắc, quyết đoán và rõ ràng.

2. Sự hiện diện của tính toán

Cấp độ Toán học trong mỗi ngành cũng khác nhau nhưng ít nhiều đều có sự góp mặt của các con số và những phép tính. Nếu bạn chỉ thích làm việc với chữ nghĩa hay tranh ảnh thì nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn học ba ngành này vì không phải ai cũng phù hợp với việc xử lý các con số, nhất là việc nhập sai một con số thường dẫn đến tổn thất lớn.

3. Sự liên hệ qua lại

Ba ngành này đều có chịu sự tác động lẫn nhau nên thường xuất hiện chung. Nếu bạn chọn học một trong ba ngành thì thể nào cũng sẽ ít nhiều biết đến hai ngành còn lại để có góc nhìn toàn cảnh.

Các điểm khác nhau giữa Kinh tế, Tài chính và Quản trị Kinh doanh

1. Định nghĩa

  • Quản trị Kinh doanh: Đây là ngành học dễ hình dung nhất vì đúng như tên gọi, ngành học này giúp bạn hiểu về cách thành lập và vận hành của một doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh nhằm tạo ra lợi nhuận. Bạn có thể áp dụng các kiến thức được học để quản lý hoạt động kinh doanh của chính mình hoặc chọn một khâu trong hoạt động kinh doanh của người khác để làm việc.
  • Tài chính: Từ Hán Việt “tài” có nghĩa là “tiền của” nên ngành học này sẽ tập trung đào sâu về tiền nhiều hơn hai ngành còn lại. Khi chọn học Tài chính, bạn sẽ thu nạp các kiến thức liên quan đến tiền như ngân hàng, các khoản đầu tư, hình thức cho vay, quỹ tín dụng, bảo hiểm, nợ và các loại hình khác.
  • Kinh tế: Đây là ngành khoa học xã hội chuyên nghiên cứu về các hoạt động sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ dưới góc nhìn toàn cảnh. Bạn sẽ được học cách phân tích và đánh giá sự tương quan và ảnh hưởng của tất cả mọi hoạt động kinh doanh lên nền kinh tế chung của xã hội.

2. Phạm vi ảnh hưởng

Dựa vào ba định nghĩa trên, bạn có thể thấy Quản trị Kinh doanh là ngành học có phạm vi ảnh hưởng nhỏ nhất vì nội dung được học chỉ gói gọn trong việc vận hành một công ty hay doanh nghiệp. Tài chính sẽ có phạm vi tìm hiểu rộng hơn vì dòng tiền không chỉ chảy trong một doanh nghiệp mà có mặt trong khắp mọi ngành nghề và lĩnh vực. Cuối cùng, Kinh tế là ngành học có độ phủ kiến thức rộng nhất khi đánh giá không chỉ một mà toàn bộ hoạt động kinh doanh của mọi người và tiền chỉ là một trong các yếu tố để đánh giá.

 

3. Hình thức đào tạo

Quản trị Kinh doanh mang tính thực hành nhiều còn Tài chính hay Kinh tế lại thiên về lý thuyết và số liệu.

4. Chuyên ngành

Quản trị Kinh doanh có các chuyên ngành như Nhân sự, Marketing, Sales, Kế toán,…. Tài chính lại phân ra thành ba mảng như tài chính cá nhân, tài chính doanh nghiệp và tài chính công. Kinh tế thì lại có hai chuyên ngành là Kinh tế vi mô và Kinh tế vĩ mô, bao gồm: Kinh tế đối ngoại, Kinh tế quốc tế, Kinh tế phát triển, Kinh tế đầu tư, Thương mại quốc tế, Tài chính kinh doanh…

5. Tương lai nghề nghiệp

Khi chọn học Quản trị Kinh doanh, bạn có thể tự mở công ty hoặc tập trung theo đuổi một chuyên ngành nhất định như nhân sự hay marketing. Khi học Tài chính, bạn có thể chọn theo đuổi công việc chuyên gia phân tích tài chính, nói cách khác là hướng dẫn sử dụng tiền cho cá nhân, doanh nghiệp hoặc chính phủ. Đối với ngành Kinh tế, vì bạn được học cả tổng thể lẫn chi tiết nên vừa có thể đầu quân vào làm vị trí phân tích kinh tế cho chính phủ hoặc doanh nghiệp.

Nhìn chung, với các kỹ năng học được trong cả ba ngành thì bạn có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp bởi ngành nào cũng đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Chẳng hạn như bạn hoàn toàn có thể dùng các kiến thức mình học được để trở thành phóng viên chuyên về mảng kinh doanh, tài chính và kinh tế của một tòa soạn nào đó.

Các tin liên quan