Cố vấn học tập

Giấc ngủ: bí kíp giúp học tập thành công ở bậc đại học

Năm nhất đại học là khoảng thời gian bản lề của sinh viên trong hoàn cảnh phải làm quen với những môi trường mới. Nghiên cứu cho thấy phong độ học tập năm nhất quyết định phần lớn khả năng tiếp tục theo học của các em tại trường (1). Và dù gì, điểm số vẫn là một dấu mốc quan trọng để theo dõi vì các sinh viên có điểm học tập cao hơn ra đời thể hiện trong công việc tốt hơn (2), một nghiên cứu phát hiện như vậy.

Từng là sinh viên, mình biết nếp sinh hoạt phiên bản xa nhà khi thiếu sự can thiệp của gia đình là … kì lắm, nhất là việc ăn ngủ. Nên mình vừa vui vừa nhột khi thấy một nghiên cứu công bố gần đây tìm ra sự liên quan giữa điểm cuối học kì của các sinh viên năm nhất với giấc ngủ ban đêm của các em.

Ngủ là một chức năng vô cùng cần thiết của cơ thể người và động vật. Chất lượng giấc ngủ đêm trước là nền cho những chức năng khác trình diễn vào ngày hôm sau. Trong đám chức năng hưởng lợi ấy có những quá trình nhận thức, đại diện là học tập và ghi nhớ. Ấy vậy mà giấc ngủ ít khi nào được thực sự quan tâm trong môi trường học đường. Khi một học sinh, sinh viên học kém, chúng ta ít khi hỏi ẻm ngủ được không?!

Nhóm nghiên cứu Creswell và cộng sự (3) khám phá xem thời gian ngủ hàng đêm vào đầu học kỳ ảnh hưởng như thế nào đến điểm trung bình cuối kỳ (GPA) của các sinh viên năm nhất. Theo dõi giấc ngủ của hơn 600 sinh viên trong vòng 1 tháng đầu học kì, họ thấy các em đi ngủ tầm 1-2 giờ sáng. Giấc ngủ trung bình dài 6,5 tiếng một đêm, và kết quả tiêu cực xuất hiện khi các em ngủ ít hơn sáu tiếng.

Cụ thể hơn, những sinh viên ngủ ít hơn vào đầu học kỳ có điểm trung bình thấp hơn vào cuối kỳ, khoảng năm đến chín tuần sau đó (hình bên dưới – (3). Và với các em ngủ ít hơn sáu tiếng thì trải qua sự suy giảm rõ rệt trong kết quả học tập. Ước tính, mỗi giờ ngủ bị hao hụt tương ứng với 0,07 điểm trung bình cuối kỳ bị giảm.

Pnas 2209123120fig01

Giấc ngủ ban đêm giúp trí nhớ được củng cố, sắp xếp những mảnh ghép về thông tin, sự kiện, kĩ năng và cảm xúc mà ta tiếp thu trong ngày. Vì ban ngày ta tỉnh, đồng nghĩa với việc liên tục tiếp nhận và xử lý thông tin, kết nối giữa các neuron thần kinh liên tục gia tăng. Điều này tốt thôi, học mà. Tuy nhiên, quá nhiều kết nối mới lại có thể làm não hạn chế làm quen với các thông tin mới chắc để tiết kiệm năng lượng. Giấc ngủ có thể điều hòa quá trình hoạt động và nghỉ ngơi của não, tạo ra “sóng não chậm”. Ngủ không “ngon” làm gián đoạn sóng não này từ một vài phần trong não và khiến não phản ứng “cùn” hơn, khó cải thiện khả năng làm một việc đã học (4).

Dù đây là một nghiên cứu tương quan, chưa xác lập mối quan hệ nhân-quả, tức là chưa đủ để khẳng định “sinh viên muốn điểm cao thì ngủ nhiều lên”, nhưng dựa vào những gì đã biết về giấc ngủ thì chúng ta vẫn rất cần chăm lo cho chức năng cơ bản này.

Các tin liên quan