Với kì thi cuối kì sắp tới, đặc biệt là cuối học kì, lượng kiến thức nhiều nên lựa chọn một phương pháp ôn tập tối ưu là rất cần thiết.
Sau đây bài viết sẽ đưa ra một số phương pháp giúp các em ôn tập có hiệu quả trong mùa thi sắp tới.
1. Tự học tự ôn thi là phương pháp ôn thi hiệu quả nhất
– Bởi đây là cách rèn luyện tư duy độc lập, nâng cao hiệu quả học tập, làm giàu tri thức cho bản thân. Thực tế đã chứng minh, hầu hết những học sinh học tập đạt kết quả cao, đỗ đại học, thậm chí đỗ thủ khoa trong các kỳ thi đều dành phần lớn thời gian tự học, tự ôn thi.
– Tuy nhiên, không phải cứ ngồi vào bàn học càng lâu càng tốt, mà quan trọng là em phải tập trung và hãy phân chia thời gian học các môn trong ngày hợp lý.
– Cần xen kẽ việc học với thời gian thư giãn, giải trí.
2. Ôn đến đâu phải chắc đến đó.
– Mặc dù thời gian thi đang đến gần nhưng cũng đừng quá hấp tấp mà dẫn đến ôn trước quên sau.
– Trong quá trình ôn tập cần chú ý hệ thống lại phần kiến thức đã học sao cho “ôn đến đâu chắc đến đó”.
– Phần nào, bài tập nào sức mình làm được thì ôn thật kĩ, để khi đi thi chắc chắn sẽ có điểm. Có ôn như vậy, khi đi thi sẽ giúp các em cảm thấy tự tin hơn.
Một phương pháp ghi nhớ hiệu quả em có thể vận dụng để ôn tập là sơ đồ Mind map
Ví dụ: Làm sao để nhớ cả bảng hệ thống tuần hoàn? Nhớ tất cả các sự kiện lịch sử trong sách? Em có thể thực hiện theo cách sau:
– Ghi thành dàn bài
– Nhẩm trong đầu
– Ghi ra giấy
Nhất là những công thức, những định lý, định đề.
Khi ghi, em chỉ tóm tắt phần quan trọng, sao cho khi mở trang giấy ra nhắc nhở lại hệ thống bài học bằng trí nhớ mà không cần mở sách. Tránh ghi rườm rà, dư thừa, vừa mất thời gan vô ích mà lại phí sức.
Nói chung làm thế nào em có thể tổng hợp các phương pháp (nhẩm nhớ – ghi chép – và lập dàn bài) sao cho tạo được điều kiện sao cho đọc bài mau thuộc đó là đíều quan trọng nhất.
Nên cố gắng tập trung vào những kiến thức cơ bản. Khối kiến thức này thường tập trung ở một số mảng, ví dụ: khái niệm, giả thuyết, quy luật, lý luận… mà GV đã hệ thống lại cho em trong đề cương ôn tập.
Khi học, cần hiểu rõ bản chất của vấn đề, phải xác định các đặc điểm, cách thức vận dụng những khái niệm, quy luật, lý thuyết… trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể. Từ đó, yêu cầu tiếp theo là phải luyện tập để hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề (đề thi cũng là một dạng vấn đề cụ thể cần giải quyết).
Có hai dạng: vận dụng theo mẫu và vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt. Khi ôn, nên chú ý vận dụng theo cả hai tuyến:
– Theo chiều dọc: trong phạm vi cùng loại vấn đề, cùng chuyên môn, lĩnh vực…
– Theo chiều ngang: trong phạm vi những chương khác nhau nhưng có liên quan đến nhau… Sau khi đã học xong lý thuyết, nên tự đặt ra những câu hỏi liên quan đến nội dung ôn thi để kiểm tra trình độ của mình. Đó cũng là một cách để nhớ lâu và tạo cơ sở để tăng dung lượng trí nhớ làm việc.
3. Nên bám sát kiến thức cơ bản, kỹ năng và sách giáo khoa
– Nắm chắc kiến thức cơ bản, những định nghĩa, kỹ năng được xem là một bí quyết ôn thi hiệu quả
– GV sẽ hướng dẫn các em triển khai đề cương ôn tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng đúng với trọng tâm, không lan man, ôm đồm, quá tải.
– Còn sách giáo khoa được coi là tài liệu phục vụ ôn thi tốt nhất.
4. Ôn theo nhóm.
– Ngoài việc học trên lớp và tự học ở nhà, học sinh nên tổ chức hình thức học theo nhóm.
– Bởi vì thông qua nhóm học tập, học sinh dễ dàng thảo luận với nhau để tìm ra những đáp án trước những bài tập khó và có thể góp ý và sửa sai cho nhau.
5. Chọn và phân bố thời gian ôn thi hợp lý
– Xác định thời điểm học cũng rất quan trọng nên phân bổ thời gian ôn thi hợp lý nhằm giúp quá trình tự ôn thi đạt hiệu quả cao và làm cho trí óc bớt căng thẳng.
– Tốt nhất là buổi tối nên bắt đầu học từ 19 giờ tới 23 giờ là đi ngủ.
Vì đầu óc sau một ngày làm việc dường như đã bão hòa, không còn tiếp thu thêm được nữa. Lúc rời bàn học, các em có thể lật qua, lướt mau những dòng đầu của các bài đã ôn từ đầu để xác định mình đã học được tới đâu. Làm như vậy cũng tựa như mình gởi tất cả vào tiềm thức bộ nhớ trước khi đưa não vào giấc ngủ.
-Buổi sáng, khoảng 5 giờ thức dậy và học đến 6 giờ thì nghỉ.
Trung bình chúng ta cần ngủ khoảng 8 tiếng một ngày, nhiều nhất là về đêm, để cho ấn tượng ngày hôm trước dịu nhạt, những ấn tượng ngày mới chưa hình thành, sáng sớm tỉnh dậy có một bộ óc “mới tinh”, có khả năng hoạt động tốt nhất.
-Đây là hai mốc thời gian quan trọng mà các em dễ tự bổ sung kiến thức nhất.
– Thời gian còn lại trong ngày, nếu học không vào, lúc này em cần một không gian yên tĩnh, tránh ồn ào như vậy em sẽ dễ dàng tập trung hơn.
Nên ngồi gần cửa sổ, càng tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên và luồng không khí lưu thông đều trong phòng thì hiệu quả học tập sẽ cao hơn.
– Khoa học đã chứng minh rằng, nếu bạn học một môn liên tục quá 45 phút thì khả năng nhớ sẽ giảm rất nhanh trong thời gian sau đó.
* chú ý không học khi vừa ăn xong : Chắc các em đã từng nghe câu “Căng da bụng, chùng da mắt” nên sau khi ăn no em nên ngồi nghỉ ngơi thư giãn để thức ăn được tiêu hóa và cơ thể hấp thụ tạo năng lượng cho chúng ta có thể tiếp tục công việc.
6. Luyện thói quen ôn bài trước khi đi ngủ
– Trước lúc đi ngủ hay buổi sớm thức dậy, học sinh nên tập thói quen nhẩm đi nhẩm lại kiến thức mà mình vừa học trong đầu để xem thử mình đã học được bao nhiêu phần trăm.
– Cố gắng ghi nhớ những chi tiết chính, đừng nên vụn vặt, nên vạch ra các ý lớn để ôn tập như nội dung các chương trong chương trình học.
Định ra việc gì là quan trọng hơn thì làm trước
7. Thường xuyên luyện tập.
– Đề thi chứa các nội dung kiến thức đầy đủ và tổng quát nhất, trong học kì vì vậy việc rèn luyện kĩ năng giải bài tập là một phương pháp học không thể thiếu.
– Qua việc làm bài tập các em không những nắm được các kiến thức đã học, bổ sung những kiến thức còn thiếu mà còn nắm bắt được các thủ thuật làm bài thi sao cho nhanh và chính xác nhất.
Đây cũng là cách rèn luyện sự tự tin trước mỗi kỳ thi.
8. Hạn chế dùng điện thoại, mạng xã hội vì nó ảnh hưởng đến việc ôn thi
Để có cách ôn thi hiệu quả nhất thì sự tập trung là vô cùng quan trọng, các em rất dễ bị cuốn vào facebook chat tán gẫu bạn bè, hay những bộ phim, game hay sẽ làm bạn sao nhãng, mất tập trung việc ôn bài. Chính vì thế, hãy tự ý thức bản thân rằng thời gian không còn nhiều nữa, hãy từ bỏ những việc đó sang một bên, quyết tâm tập trung dành thời gian cho việc học trước.