Nghiên cứu khoa học Sinh viên

Bài Nghiên cứu khoa học 2024 đạt Giải Khuyến khích Viện Ngôn ngữ nước ngoài FBU: Thực trạng và giải pháp cải thiện kỹ năng Viết luận cho sinh viên năm thứ 2 ngành Ngôn ngữ Anh

Đề tài: Thực trạng và giải pháp cải thiện kỹ năng Viết luận cho sinh viên năm thứ 2 ngành Ngôn ngữ Anh

Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Phương Thùy

Đơn vị: D11.20.02 – Viện Ngôn ngữ nước ngoài

Giáo viên hướng dẫn: ThS. Phạm Thị Thu Nga – SĐT: 0912166516

 

 

Tóm tắt: Viết luận tiếng Anh là một trong những kỹ năng khó và quan trọng với sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh trong quá trình học để đạt chuẩn đầu ra. Trong bài viết này, tác giả sử dụng bảng hỏi để nghiên cứu về hiện trạng luyện viết bài luận và những khó khăn của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh năm 2 Trường Đại Tài chính  Ngân Hàng HN, từ đó đề xuất và thử nghiệm một số biện pháp giúp sinh viên cải thiện kỹ năng viết luận tiếng Anh. Phiếu hỏi được phát cho 70 sinh viên chuyên Anh năm 2, kết quả cho thấy những khó khăn sinh viên gặp phải là: viết bài đảm bảo tính liên kết và mạch lạc, thiếu từ vựng và ngữ pháp, khó diễn đạt lại ý của người khác – paraphrasing, viết bằng giọng văn của cá nhân, lựa chọn ý tưởng và phát triển ý . Mặc dù sinh viên đã áp dụng các cách thức khi viết luận nhưng chưa thường xuyên luyện viết ngoài giờ lên lớp. Từ hiện trạng tác giả đã thử nghiệm một số biện pháp là: (1) Tăng cường vốn kiến thức nền (2) Giúp SV nắm chắc các bước viết bài luận tiếng Anh, (3) giao viết bài luận và kiểm tra bài viết thường xuyên.

Từ khóa: hiện trạng, khó khăn, biện pháp, kỹ năng viết luận

THE CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS TO IMPROVE ESSAY WRITING SKILLS FOR SECOND-YEAR ENGLISH LANGUAGE STUDENTS AT THE BANKING UNIVERSITY OF HANOI.

Summary: Writing English essays is one of the difficult and important skills for students majoring in English during the learning process to achieve output standards. In this article, the author uses a questionnaire to research the current status of essay writing practice and difficulties of 2nd year English Language students at Hanoi University of Finance and Banking, from there propose and test Some measures to help students improve their English essay writing skills. Questionnaires were distributed to 35 2nd year English major students, the results showed that the difficulties students encountered were: writing articles to ensure cohesion and coherence, lack of vocabulary and grammar, difficulty expressing ideas. others – paraphrasing, writing in a personal voice, choosing ideas and developing them. Although students have applied the methods when writing essays, they have not regularly practiced writing outside of class. From the current situation, the author has tested a number of measures: (1) Enhance background knowledge (2) Help students master the steps of writing English essays, (3) assign essay writing and check their writing regularly. 

Key words: current status, difficulties, measures, essay writing skills

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngày nay, học tiếng Anh là một nhu cầu thiết yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tiếng Anh là chìa khóa để các cá nhân và tổ chức trên hành tinh kết nối, đàm phán, trao đổi và giao lưu trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh… Trong quá trình học tập và nghiên cứu, kỹ năng viết luận đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lực ngôn ngữ cho sinh viên, đặc biệt là đối với sinh viên năm thứ 2 trong ngành Ngôn Ngữ Anh tại Trường Đại Học Tài Chính – Ngân Hàng Hà Nội. Thành thạo kỹ năng viết giúp người học chủ động hơn trong quá trình học tập nghiên cứu và phục vụ công việc bởi thực tế nghiên cứu và công việc cần trao đổi và lưu giữ tài liệu dưới dạng văn bản chứ không chỉ qua trao đổi ngôn bản. Kiến thức về viết học thuật giúp các cá nhân đọc hiểu, khai thác những tài liệu nghiên cứu, các báo cáo khoa học, các phân tích… thuộc các lĩnh vực để phục vụ các mục đích cụ thể cần thiết. Viết bài luận học thuật là mục tiêu người học cần đạt, viết luận thể hiện năng lực sử dụng tiếng Anh ở trình độ cao, người viết phải sử dụng đúng văn phong lịch sự và trang trọng, vốn từ vựng phong phú, trình bày chặt chẽ mạch lạc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều sinh viên gặp khó khăn trong việc viết luận, dẫn đến việc cần thiết phải nghiên cứu và đề xuất giải pháp để cải thiện tình hình này.

Bài viết sẽ phân tích về thực trạng về kĩ năng viết luận Tiếng Anh của sinh viên và đề ra giải pháp hỗ trợ sinh viên ngành ngôn ngữ Anh rèn luyện khả năng viết luận của mình.

  • Những khó khăn của người học tiếng Anh khi viết bài luận bằng tiếng Anh

Nhìn chung, viết luận tiếng Anh với người nước ngoài học tiếng Anh là một kỹ năng khó học và khó dạy do viết luận không phải là một hoạt động nhận thức đơn giản, theo Grami (2010) đây là một quá trình phức tạp đòi hỏi người viết phải tư duy, tuân thủ nguyên tắc và phải tập trung tinh thần. Qua nhiều nghiên cứu về khó khăn của người học khi viết các bài luận tiếng Anh của các nhà khoa học có thể chia thành các nhóm khó khăn chủ yếu như sau: Thứ nhất, người viết gặp vấn đề về sử dụng tiếng Anh khi viết. Khó khăn này thể hiện ở: (i) vốn từ vựng của người viết còn hạn chế nên khi viết không diễn đạt được ý cần viết, hơn nữa viết các bài luận học thuật cần vốn từ vựng khá phong phú để diễn ngôn được đúng và chính xác tránh lặp lại; (ii) sử dụng cấu trúc câu, cấu trúc ngữ pháp chưa thành thạo và chưa đa dạng để thể hiện đúng ý tứ cần diễn đạt; (iii) vấn đề về sử dụng các loại dấu trong câu cũng khá phổ biến. Nghiên cứu của Al Fadda (2012) đã chỉ ra những khó khăn chính mà người học tiếng Anh gặp phải là việc phân biệt giữa các từ và cụm từ trong khi nói và viết. Việc sử dụng các hiện tượng ngữ pháp như chia động từ theo chủ ngữ, hay kết hợp các câu đơn, các ý rời rạc thành các câu ghép, câu phức, kết hợp các câu thành một đoạn văn mạch lạc khi viết. Amin & Alamin (2012) khẳng định việc diễn đạt ý tưởng của người khác bằng lời văn của mình dễ làm cho người viết mắc lỗi ngữ pháp nên người viết thường sao chép luôn mà không trích dẫn. Trong nghiên cứu của Younes & Albalawi (2015), SV cũng gặp khó khăn về ngữ pháp, cách dùng dấu câu và viết đúng chính tả khi viết. Nhóm khó khăn thứ hai là về nguồn ý tưởng cho các bài luận. Điều này thường thể hiện ở việc SV viết bài bị lặp ý từ đoạn văn này sang đoạn kia. Một số chủ đề mang tính chuyên ngành hay có thể không quen thuộc với người viết, mà vốn hiểu biết hầu như không có nên rất khó để người viết trình bày lý do, diễn giải hay thảo luận trong bài viết. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này do người học không tìm hiểu, tích lũy hay ghi nhớ những kiến thức phổ quát nói chung cũng như một số chủ đề đáng quan tâm trong suốt quá trình học tập của người học như Ceylan (2019) đã khẳng đinh trong nghiên cứu của mình. Một khó khăn khác của người viết là chưa có cách thức hay chiến lược phù hợp áp dụng khi viết luận. Áp dụng đúng cách thức học ngoại ngữ giúp người học tiết kiệm thời gian học, làm cho việc học trở nên đơn giản hơn, đạt được kết quả tốt hơn. Nghiên cứu của Ceylan (2019) chỉ ra rằng, SV thiếu kiến thức cũng như vận dụng các cách thức cơ bản để luyện tập viết và viết bài luận như cần lập dàn ý trước khi viết, viết bài, đọc lại rồi chỉnh sửa. Các kỹ thuật này giúp người viết kiểm soát được quá trình viết bài tránh thiếu ý, viết ý không phù hợp, hay trình bầy không mạch lạc. Tránh được những vấn đề nảy sinh khi đang viết bài như đang viết thì nảy sinh các ý khác nhau gây ra sự lúng túng, trình bày không rõ ràng, đôi khi không phù hợp đã được nghiên cứu của Al Murshidi (2014) đưa ra. Trên đây là một số khó khăn phổ biến mà người học tiếng Anh khi viết các bài luận gặp phải. Đây là cơ sở để tác giả nghiên cứu, so sánh và phân tích trong quá trình điều tra những khó khăn SV ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng HN đang gặp phải và tìm các biện pháp cải thiện thực trạng.

  1. TỔNG QUAN VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

Theo quan điểm của nhà triết học vĩ đại John Locke: “Essay” (bài luận) là một bài viết được thực hiện dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả. Các bài luận có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, gồm: bài phê bình, bản tuyên ngôn chính trị, các dẫn chứng, bài tranh luận của các học giả, bài quan sát đời sống hàng ngày, hồi ký của chính tác giả…

Ở một số quốc gia như Mỹ hay Canada, các bài luận có vai trò rất quan trọng trong giáo dục. Các học sinh phổ thông được hướng dẫn cách viết bài luận đúng phương pháp và các bài luận nộp kèm đơn xin nhập học thường được các trường Đại học đòi hỏi để phục vụ cho việc tuyển chọn sinh viên. Bài luận còn quan trọng vì nó là một trong những thước đo đánh giá năng lực sinh viên, đôi khi bài luận sẽ quyết định tới 50% số điểm tổng kết môn học. Ở trường The Hague University of Applied Sciences (The Hague, Hà Lan), môn Branding (Thương hiệu) và Introduction to Communication (Nhập môn Truyền thông), thầy giáo bộ môn yêu cầu sinh viên phải hoàn thành 2 bài tiểu luận, nếu không sẽ không được làm 1 kiểm tra. Tại hầu như bất kì trường Đại học nào trên thế giới, một bài luận có thể là bài tập cá nhân hoặc theo nhóm. Nếu là bài tập nhóm thì khối lượng công việc cũng hóc búa hơn hoặc cần nhiều sự đầu tư chuyên sâu hơn về độ dài cũng như tính quan trọng của vấn đề.

Cấu trúc cơ bản của bài luận Tiếng Anh bao gồm: Introduction (Mở đầu), Literature review (Tổng quan tài liệu), Methodology (Phương pháp luận), Results (Kết quả), Discussion (Thảo luận), Conclusion (Kết luận), References (Tài liệu tham khảo).

Việc viết một bài essay, ngoài phục vụ yêu cầu của bài học hay giáo viên, nó còn có 4 ý nghĩa khác, bao gồm: cung cấp kiến thức, trau dồi kỹ năng, đánh giá năng lực và cơ hội thăng tiến.

  • Cung cấp kiến thức: Đề tài các bài essay vô cùng đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Khi nghiên cứu triển khai để hoàn thành các bài viết, đặc biệt là các bài essay mang tính học thuật, người viết sẽ được trau dồi thêm nhiều kiến thức bổ ích.
  • Trau dồi kỹ năng: Việc viết essay sẽ yêu cầu bạn phải cùng lúc luyện tập kỹ năng reading (kỹ năng đọc), kỹ năng writing (kỹ năng viết) để hoàn thành bài một cách tốt nhất. Việc nghiêm túc luyện viết essay trong thời gian dài chắc chắn sẽ giúp cải thiện kỹ năng tiếng Anh trên của bạn.
  • Đánh giá năng lực: Việc viết các bài essay không chỉ hoàn thành bài tập theo chỉ tiêu hay số lượng, mà còn giúp giáo viên đánh giá được năng lực viết, vốn từ mới và khả năng sử dụng ngữ pháp của bạn. Từ đó đưa ra các phương pháp dạy phù hợp để giúp người học phát triển tốt hơn kỹ năng viết.
  • Cơ hội thăng tiến: Tại nhiều đơn vị, việc viết chuẩn hóa một tờ đơn, một email, một thư khiếu nại, phản hồi đôi khi cũng là yếu tố giúp bạn được sếp đánh giá cao năng lực và có cơ hội thăng tiến rộng mở trong tương lai.

Nghiên cứu này cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình hình hiện tại của kỹ năng viết luận của sinh viên năm thứ 2. Mô hình nghiên cứu bao gồm việc thu thập dữ liệu từ các bài luận của sinh viên, sử dụng phương pháp phỏng vấn và khảo sát để đánh giá mức độ thành thạo và nhận diện các vấn đề cụ thể.

  • PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu sử dụng phương pháp kết hợp, bao gồm cả phương pháp định lượng và định tính. Dữ liệu được thu thập thông qua việc phân tích các bài luận viết, cũng như sử dụng các bảng câu hỏi khảo sát.

  • Câu hỏi nghiên cứu

1) SV các lớp Ngôn ngữ Anh K11 đang gặp những khó khăn gì khi viết các bài luận? 2) SV các lớp Ngôn ngữ Anh K11 có sử dụng cách thức phù hợp khi viết các bài luận không?

3) SV các lớp Ngôn ngữ Anh K11 có tích cực luyện viết các bài luận ngoài giờ trên lớp không?

4) Những biện pháp nào có thể giúp SV các lớp Ngôn ngữ Anh K11 cải thiện kỹ năng viết các bài luận của mình?

  • Điều tra hiện trạng luyện viết và những khó khăn khi viết các bài luận của SV

Nghiên cứu điều tra đã thu thập số liệu về hiện trạng luyện tập viết các bài luận tiếng Anh của SV các lớp Ngôn ngữ Anh K11 trong kì học 3 về tần suất luyện viết ngoài giờ lên lớp, cách thức SV áp dụng để viết bài và những khó khăn mà họ gặp phải khi viết các bài luận tiếng Anh. Tham gia trả lời phiếu điều tra là 35 SV từ các lớp Ngôn ngữ Anh K11. Tại thời điểm thực hiện nghiên cứu, nhóm SV đã học xong hai kỳ học viết luận bằng tiếng Anh, đây là kỳ học 4 trong chương trình đào tạo.

 Phiếu hỏi bao gồm ba phần: phần một gồm câu hỏi về tần suất luyện viết bài luận ngoài giờ trên lớp, phần hai hỏi về những cách thức SV đang sử dụng để viết các bài luận, phần ba là câu hỏi về những khó khăn mà SV đang gặp phải khi viết bài luận tiếng Anh. Các câu hỏi đều xây dựng dạng chọn phương án đúng với người trả lời và có phần viết ý kiến riêng. Phiếu điều tra không thu thập thông tin cá nhân nên SV không bị bất kỳ áp lực nào khi trả lời bảng câu hỏi.

 Phiếu điều tra được phát cho 35 SV ngành Ngôn ngữ Anh năm thứ hai vào cuối kỳ học. Các phiếu hỏi được xử lý theo phân loại thông tin phục vụ các tiêu chí nghiên cứu đã đặt ra, từ kết quả tính tỷ lệ phần trăm được thể hiện trên các bảng và biểu đồ số liệu miêu tả thực trạng và diễn giải những khó khăn.

  1. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
    • Kết quả điều tra dựa vào tần suất tự luyện viết bài luận của SV

Bảng 1 là kết quả thu được từ câu trả lời của SV về tần suất tự luyện viết bài luận tiếng Anh. Kết quả cho thấy, phần đông SV chưa thường xuyên luyện tập viết bài luận ngoài giờ lên lớp. Thậm chí có một số SV không bao giờ tự giác viết với tỷ lệ chiếm 29%. Tần suất viết bài luận nhiều nhất là 2 bài trong một tuần chỉ có 17%. Tần suất 2 tuần viết 1 bài chiếm 24% và Tần suất 1 tháng 1 bài chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Đây có thể là số SV viết bài ngoài giờ trên lớp do được giáo viên giao như bài tập về nhà. Từ kết quả này có thể thấy SV không tự giác thường xuyên luyện tập viết, có đến hơn 30% SV không luyện viết bài ngay sau khi có buổi học viết luận. Có thể thấy đây là một nguyên nhân dẫn đến chất lượng bài viết chưa cao.

  • Kết quả điều tra dựa vào tần suất hoàn thành bài viết luận của SV
Tần suất hoàn thành bài viết Tỷ lệ
Không bao giờ 15%
Hiếm khi 20%
Thỉnh thoảng 40%
Luôn luôn 25%

SV không tích cực luyện tập viết, nguyên nhân có lẽ do SV cho rằng viết luận là khó nên không có động lực để viết hay luyện tập viết bài thường xuyên. Hoàn thành bài viết luận trong thời gian quy định cũng là một vấn đề đối với SV, kết quả thu được trong bảng 2 cho thấy chỉ có 25% số SV khi viết bài là hoàn thành đúng thời gian quy định. Số SV chưa thể hoàn thành và hiếm khi hoàn thành bài viết trong thời gian quy định là 35%. Phổ biến nhất là nhóm SV có thể hoàn thành khoảng 60% số bài viết trong thời gian quy định, con số này là 40%.

 

 

 

 

 

 

Bảng 2: Tần suất hoàn thành bài viết luận Tiếng Anh của SV

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng sinh viên năm thứ 2 thường gặp khó khăn trong việc xây dựng cấu trúc và logic cho bài luận, cũng như trong việc sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác và linh hoạt. Ngoài ra, các sinh viên cũng thường thiếu khả năng phân tích sâu và đưa ra luận điểm rõ ràng trong bài luận của mình.

  1. THẢO LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
    • Thảo luận

Từ kết quả điều tra hiện trạng và khó khăn khi viết bài luận của SV các lớp Ngôn ngữ Anh K11, có thể thấy khó khăn thường gặp nhất là việc sử dụng ngôn ngữ, làm sao để bài viết được trình bày logic, mạch lạc và liên kết (Coherence & Cohesion). Khi tham chiếu cách thức SV sử dụng trước khi viết có đến hơn 50% đã thường lập dàn ý. Tỷ lệ khó khăn với ý tưởng để viết bài là thấp nhất nhưng khó khăn về ngữ pháp và từ vựng thì rất cao. Từ đó có thể thấy rằng, có lẽ SV tư duy lập dàn ý, hay có ý tưởng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, khi viết bài thiếu vốn từ tiếng Anh nên gặp khó khăn để diễn đạt câu, hoàn thành ý. Liên hệ với tần suất luyện viết ngoài giờ trên lớp đã chứng minh rằng SV không thường xuyên luyện tập gây ra sự gián đoạn, ngập ngừng, thiếu kỹ năng nên khi viết sẽ bị động dẫn đến khó hoàn thành bài viết trong thời gian quy định. Trong thực tế, vào đầu các kỳ học, giảng viên có yêu cầu SV xây dựng kế hoạch tự học. Tuy nhiên, qua điều tra có thể thấy, SV chưa thực sự nỗ lực, chưa thực hiện nghiêm túc việc tự học. Qua các giờ dạy viết trên lớp, tôi nhận thấy có một điều rất rõ ràng là mỗi khi học viết bài luận cũng như có nhiệm vụ viết bài trên lớp, khá nhiều SV sử dụng các thiết bị như điện thoại di động để tìm ý tưởng, tra từ vựng từ các trang mạng trên Internet, SV chỉ tra cứu cho nhiệm vụ tức thời, chưa có ý thức phải tích lũy kiến thức về chủ đề nào nó, cũng như từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh. Điều này thể hiện sự phụ thuộc và ỷ lại vào các bài viết có sẵn trên các nguồn từ Internet. Vì vậy, khi viết SV khó có quan điểm cá nhân, không thể hiện được giọng văn riêng của mình trong bài viết, dễ sao chép toàn bộ câu và ý tứ của người khác vào bài. Trong bài luận, các ý đôi khi không liên kết với nhau. Để nâng chất lượng bài viết, SV cần tự chủ và tích cực trong học tập, cần tích lũy và nâng cấp kiến thức về từ vựng ngữ pháp tiếng Anh, mở rộng kiến thức cơ bản về các mặt xã hội và các lĩnh vực khác để tăng vốn hiểu biết. SV nên luyện tập viết bài thường xuyên để đạt kỹ năng viết bài luận cũng như tốc độ viết tay. Sau khi tiến hành thử nghiệm ba biện pháp trên, cả GV và SV đã phải tích cực và nỗ lực trong quá trình học tập. Biện pháp GV triển khai giờ học trên lớp theo vòng tròn giúp SV có cơ hội, tích cực hơn trong chia sẻ ý tưởng quan điểm và đánh giá văn bản viết. Việc rèn luyện đầy đủ cả ba chiến lược trước, trong, và sau khi viết dần dần giúp SV nhận ra những nội dung và cấu trúc như nào cần, đúng, hay chưa phù hợp khi viết bài luận để đáp ứng được yêu cầu của bài luận tốt. Biện pháp thứ hai nhằm thúc đẩy SV tự học là yêu cầu đọc thêm ghi chép lại các từ mới, chép lại câu gốc, viết câu của mình có dùng từ mới, viết lại nội dung ưa thích. Qua quá trình thực hiện, một số SV tỏ ra khá thích thú vì được đọc và thể hiện cái cá nhân yêu thích. Hoạt động này không chỉ giúp SV tích lũy từ vựng thuộc các chủ đề khác nhau mà còn giúp SV tích lũy về cấu trúc ngữ pháp và luyện kỹ năng viết câu, viết đoạn văn, viết theo ngôn ngữ cá nhân,… Giải pháp giao bài viết luận hàng tuần là giải pháp khá hiệu quả, tuy là thử thách với một số SV vì phải thực hiện “nhiệm vụ khó”. Tuy nhiên, với một số SV, đây lại là động lực để vượt qua “bệnh lười”, “không có lí do gì để từ chối” các hoạt động giải trí khác. Việc viết bài thường xuyên giúp xây dựng kỹ năng viết bài luận cũng như rèn nét chữ viết tay, tốc độ viết giúp SV viết bài trôi chảy hoàn thành với tốc độ cao hơn. Qua quá trình thực hiện nghiên cứu có thể thấy rằng viết luận là kỹ năng cần thời gian để tích lũy, rèn luyện, chia sẻ, rút kinh nghiệm. Để thành công, SV cần nỗ lực và tự giác trong suốt qua trình học. Việc GV thường xuyên kiểm tra đánh giá các nhiệm vụ học tập của SV cũng không kém phần quan trọng. Việc này như chất xúc tác cũng như động cơ thúc đẩy SV tích cực hơn trong học tập.

  • Biện pháp đề xuất

Dựa trên kết quả nghiên cứu, các giải pháp được đề xuất bao gồm việc tăng cường Tăng cường vốn kiến thức nền và nắm chắc các bước viết bài luận tiếng Anh, cung cấp phản hồi định kỳ và cá nhân hóa từ giảng viên, và thúc đẩy sự sáng tạo và tư duy phản biện trong việc viết luận.

  • Tăng cường vốn kiến thức nền
  1. Trau dồi vốn từ vựng Từ vựng là một yếu tố tiên quyết giúp học viên có thể viết và đạt điểm cao cho bài viết bằng tiếng Anh. Để diễn đạt rõ các ý muốn truyền tải, ngoài vốn từ vựng phong phú, học viên cũng cần biết cách sử dụng chúng đúng ngữ pháp và phù hợp với ngữ cảnh. Khi viết bài luận, học viên cần hạn chế việc lặp từ; sử dụng đa dạng những từ đồng nghĩa, làm cho bài viết trở nên hấp dẫn hơn. Để làm được điều này, học viên có thể học từ mới qua những câu ví dụ thay vì học từ riêng lẻ. Khi học từ mới, cần học theo dạng của từ và những từ hay được kết hợp với nó. Sau đó, có thể viết một câu chuyện ngắn từ những từ đã học. Điều này giúp việc ghi nhớ từ hiệu quả hơn, đồng thời luyện tập cách sử dụng chúng.
  2. Cải thiện ngữ pháp Ngữ pháp chính là yếu tố quan trọng hàng đầu mang đến sự thành công cho bài luận. Ngữ pháp bao gồm các thì; cấu trúc câu; từ vựng được sử dụng trong bài. Học viên có nhiều lựa chọn cách viết khác nhau, nhưng khi đã viết nên lựa chọn thì tiếng Anh cho phù hợp nhất. Các câu văn được sử dụng ngữ pháp một cách thuần thục và linh hoạt sẽ giúp nâng cao chất lượng bài luận. Hãy ghi nhớ sử dụng các thì phù hợp và đa dạng các cấu trúc ngữ pháp. Trong khi xem phim hoặc đọc sách báo, nếu gặp một cấu trúc nào cảm thấy hay và hữu ích, hãy ghi lại và cố gắng áp dụng vào bài viết của mình. Sau khi viết xong, học viên nên duy trì thói quen đọc lại bài viết để tìm các lỗi sai về chính tả và nhất là lỗi ngữ pháp.
  3. Tích cực đọc các tài liệu bằng tiếng Anh Đọc là cách học viết tiếng Anh nhanh và hiệu quả nhất. Đọc các nguồn sách, báo hay truyện bằng tiếng Anh là cách tuyệt vời để học viên có thể trải nghiệm nhiều nguồn văn phong khác nhau của các tác giả và học cách họ sử dụng từ ngữ sao cho hiệu quả. Hãy chọn những cuốn sách hay bài báo có chủ đề mà bạn hứng thú, việc học sẽ trở nên thoải mái hơn. Với mỗi văn bản, học viên nên đọc lại nhiều lần để chắc chắn rằng mình đã hiểu cách sử dụng từ ngữ và cách diễn đạt của tác giả.
  4. Tích cực luyện viết tiếng Anh Nếu muốn cải thiện kĩ năng viết, hãy chăm chỉ luyện viết thật nhiều. Không chỉ là những bài viết theo chủ đề học thuật dễ gây nhàm chán, mỗi học viên nên cố gắng vận dụng tiếng Anh vào những việc làm hàng ngày để tạo hứng thú hơn cho bản thân. Học viên có thể tạo cho mình thói quen viết mỗi ngày bằng cách viết nhật ký bằng tiếng Anh, hoặc tìm cho mình một người bạn có khả năng tiếng Anh, người bản xứ thì càng tốt và trò chuyện với họ thường xuyên qua email hay các trang mạng xã hội.
    • Nắm chắc các bước viết bài luận tiếng Anh
  5. Lựa chọn chủ đề luyện viết Để bắt đầu thực hành luyện kỹ năng viết, điều đầu tiên là học viên phải tìm cho mình một chủ đề để viết (hay còn gọi là Topic) và chọn cho mình một phong cách viết sao cho phù hợp với chủ đề đó. Có thể tìm thấy chủ đề luyện viết tiếng Anh ở khắp mọi nơi, từ trong cuộc sống sinh hoạt, học tập và rèn luyện hằng ngày hay những vấn đề xã hội mà bạn quan tâm. Học viên có thể bắt đầu bằng những chủ đề đơn giản, gần gũi với bản thân và phù hợp với năng lực của mình. Sau đó có thể nâng dần cấp độ khó hơn với những chủ đề đòi hỏi vốn từ và cách tư duy cao hơn.
  6. Nắm chắc các bước thực hành một bài viết
  7. Lên ý tưởng cho bài viết

Đây là bước đầu tiên của việc tiếp cận quá trình viết. Ngay cả khi viết một bài luận đơn giản, ngắn gọn nhất học viên cũng vẫn phải lên ý tưởng để nội dung được đầy đủ ý nghĩa và giúp người đọc hiểu được những điểm quan trọng mà bài viết hướng đến. Trước hết bạn hãy nghĩ về những chủ đề lớn như “family” (gia đình) hoặc “studying” (học tập)… Từ đó sẽ quyết định xem bạn nên chuẩn bị một cái nhìn tổng quan hay nên thu hẹp chủ đề để có một phân tích cụ thể của chủ đề đó? Tiếp theo là chuẩn bị một dàn ý (outline). Mục đích chính của việc lập dàn ý là để phác thảo những ý tưởng về chủ đề đã chọn. Hãy viết ra tất cả các ý tưởng, sau đó, phân loại và nhóm những ý tưởng này lại, mỗi nhóm có thể gồm 3 ý tưởng tốt nhất. Học viên có thể sử dụng tất cả những ý tưởng này vào trong bài viết hoặc chỉ sử dụng một ít. Điều này không có vấn đề gì cả, vì bước chuẩn bị này chỉ để giúp bạn vượt qua rào cản: “Tôi không thể nghĩ ra bất cứ điều gì để viết cả”. Sau khi đã liệt kê những ý tưởng trên giấy, học viên cần xác định ý tưởng nào là quan trọng nhất hoặc có liên quan chặt chẽ đến chủ đề của bài viết. Nếu đó là ý tưởng hay, quan trọng thì có thể lấy ý tưởng ấy làm trọng tâm của bài viết. Khi viết các bài luận tiếng Anh thì đây là bước khá quan trọng và được xem như “bản đồ tư duy” (mindmap). Khi phác thảo những ý tưởng, học viên không cần quá lo lắng về mặt ngữ pháp hay lỗi chính tả. Học viên cũng cần chuẩn bị cho mình một quyển từ điển hoặc phương tiện công nghệ hỗ trợ việc tiếp cận với từ mới.

  1. Tham khảo các bài mẫu

Sau khi đã có những ý tưởng, học viên nên tham khảo nội dung của các bài viết có chủ đề tương tự để nâng cao nhận thức về thể loại và hiểu thêm về những quy ước tiếng Anh được sử dụng cho từng loại bài viết cụ thể. Ngoài ra, những bài mẫu này còn giúp học viên có thêm một số từ vựng đắt giá và xác định được các tính năng ngôn ngữ và các quy tắc chung cho từng thể loại bài viết để học viên ứng dụng tốt cho các bài viết của riêng mình.

  1. Thực hành kĩ năng viết

– Viết phần mở đầu (introduction paragraph)

Một bài luận hoàn chỉnh khi có đầy đủ cả phần mở đầu (introduction paragraph), phần nội dung và phần kết luận (conclusion paragraph). Phần mở đầu không chỉ nêu chủ đề mà còn phải ấn tượng nhằm thu hút sự chú ý của người đọc và cho họ thấy được trọng tâm của bài luận. Chẳng hạn mở đầu của một bài luận với chủ đề “Why do people need to attend colleges or universities?” (Tại sao mọi người cần học đại học?) có thể viết: “Why do people need to attend colleges or universities? Different people have different answers to this question. I believe that the three most common reasons are to prepare for a career, to have new experiences, and to increase their knowledge of themselves and the world around them”.

– Viết phần nội dung của bài luận

 Sau khi đã xây dựng một hệ thống ý, mỗi ý tưởng đã phác thảo phải được triển khai để trở thành một đoạn trong phần nội dung. Các ý cần được triển khai một cách logic, các ý nhỏ để bổ sung ý cho các ý chính, có thể thêm các ví dụ phù hợp cho bài luận thêm phần sinh động và giàu tính thuyết phục.

– Viết kết luận (conclusion paragraph)

Trong phần này, học viên có thể tổng hợp các điểm chính của bài luận hoặc cung cấp một cái nhìn tổng quan về chủ đề. Hãy cố gắng tìm những cách kết luận độc đáo và ấn tượng. Dưới đây là phần kết luận của bài luận với chủ đề như trên: “I would recommend that people not be so focused on a career. They should go to college to have new experiences and learn about themselves and the world they live in.” Trong quá trình viết, các đoạn văn nhất thiết phải tuân theo yêu cầu mạch lạc. Mọi dấu chấm, dấu phẩy đều cần theo đúng quy tắc, thể hiện được ý đồ người viết. Ngắt câu phù hợp, mỗi câu đều phải có nghĩa và phù hợp với chủ đề chung.

  1. Đánh giá và xem lại

 Sau khi đã có bản phác thảo về bài viết, học viên cần đọc lại để đánh giá những điều bạn thích và không thích về nội dung, ý tưởng trong bản nháp đầu tiên của mình, rút kinh nghiệm và làm tốt hơn. Khi hoàn thành bản thảo cuối cùng, bạn nên xem lại bài viết và kiểm tra chi tiết về ngữ pháp và chính tả. Sau đó, học viên có thể đưa cho giảng viên hoặc những người có trình độ tiếng Anh sửa giúp những vấn đề còn hạn chế để học hỏi và cải thiện từ những lỗi sai của mình. Để có thể viết bài luận tiếng Anh thành thạo, đòi hỏi quá trình tích cực rèn luyện thường xuyên của học viên. Mỗi người có một văn phong khác nhau. Thế nên, học viên cần cân nhắc để viết thế nào cho hấp dẫn, cuốn hút người đọc.

  1. KẾT LUẬN

Nói tóm lại, nghiên cứu này đã đưa ra cái nhìn sâu sắc về thực trạng của kỹ năng viết luận cho sinh viên năm thứ 2 trong ngành Ngôn Ngữ Anh tại Trường Đại Học Tài Chính – Ngân Hàng Hà Nội. Các kiến nghị được đề xuất có thể cung cấp các phương pháp hiệu quả để cải thiện kỹ năng viết luận và nâng cao chất lượng giáo dục ngôn ngữ cho sinh viên. Những khó khăn SV các lớp Ngôn ngữ Anh K11 gặp trong khi viết luận như thiếu từ vựng, ngữ pháp, khó diễn đạt bằng văn phong và ngôn ngữ của bản thân, khó trình bày, liên kết ý tưởng đảm bảo tính hợp lý mạch lạc. Thực tế SV đã biết và sử dụng được các cách thức trước, trong khi và sau khi viết bài luận, tuy nhiên, thực trạng SV không luyện viết thường xuyên cùng với các khó khăn đã làm bài viết luận chưa đạt chất lượng tốt. Các biện pháp như áp dụng quy trình dạy viết trên lớp theo vòng tròn “the process wheel”, giao bài viết ngoài giờ trên lớp, đọc thêm điền vào phiếu học tập là các biện pháp có hiệu quả giúp SV vượt qua các khó khăn và cải thiện kỹ năng viết luận. Viết bài luận là một nội dung khó với nhiều SV trong chương trình học tiếng Anh bởi nó đòi hỏi người học không chỉ phải học về tiếng Anh, mà là vấn đề tư duy, về cách thức biểu đạt, luận bàn trong bài luận, thêm vào đó cần có kiến thức về các vấn đề xã hội, khoa học khác. Mỗi giảng viên cần nắm được những khó khăn của từng đối tượng SV cụ thể để có phương pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học viết bài luận cho SV. Việc nghiên cứu đã thu được những kết quả hữu ích tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như số lượng khách thể tham gia vào nghiên cứu hạn chế nên có thể chưa là hiện trạng chung của SV Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng HN. Các biện pháp mới dừng ở thử nghiệm trên một nhóm nhỏ SV ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng HN.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Thị Hảo, Tạp chí khoa học ĐH Hạ long 61-69.

[Online] Nghiên cứu nước ngoài, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN, Tập 37, số 5.

Ceylan, N., O. (2019). Student perceptions of difficulties in second language writing. Journal of Language and Linguistic Studies. Grami, G., M., A. (2010).

The Effects of Integrating Peer Feedback into University-Level ESL Writing Curriculum: A Comparative Study in a Saudi Context (Unpublished doctoral dissertation). Newcastle University, Retrieved 05/05/2022, from https://theses.ncl.ac.uk/dspace/bitstream/ 10443/933/1/grami_

Guy, B., H. & Vanessa, J. (2012). Complete IELTS bands 5-6.5. Cambridge University Press.

British Council, IDP & University of Cambridge (2019). IELTS TASK 2. Writing band descriptors (public version).

Al Fadda, H. (2012). Difficulties in academic writing: From the perspective of King Saud University postgraduate students. English Language Teaching, 5(3), 123-130.

Al Murshidi, G. (2014). UAE university male students’ interests impact on reading and writing performance and improvement.English Language Teaching, 7(9), 57-63.

 Amin, S., & Alamin, A. (2012). Skills and strategies used in the comprehension and production of academic writing in Taif University. English Language and Literature studies, 2(3), 135-139.

Các tin liên quan