Lên đại học, thầy cô và cha mẹ không còn suốt ngày kè kè quan sát việc học của bạn. Vì lẽ đó, bạn dễ cảm thấy chơi vơi giữa một đống kiến thức bao la hoặc lỡ sa vào các cuộc chơi với chúng bạn bè. Nếu bạn luôn lo lắng về việc rớt môn, nợ môn thì sau đây chúng tôi sẽ chỉ cho bạn những bí kíp học Đại học cực hiệu quả và không còn lo lắng rớt môn nữa nhé!
1. Bạn hãy luôn đi học đầy đủ
Mặc dù những người thân xung quanh không còn đôn đốc bạn thường xuyên đi học thì bạn vẫn nên giữ ý thức này. Mặc dù là lên đại học nhưng đa số các trường vẫn giữ việc điểm danh như cấp 3 vì vậy bạn mà nghỉ quá số buổi cho phép sẽ bị cấm thi đấy nhé. Mặt khác, việc đi học đầy đủ sẽ giúp bạn nắm rõ kiến thức mà thầy cô đã giảng dạy. Trong các buổi học thầy cô thường sẽ đánh dấu và giảng kĩ những nội dung quan trọng có thể ra thi. Vì vậy, việc đi học đầy đủ sẽ giúp bạn tự tin nắm rõ các kiến thức trọng tâm khi vào phòng thi.
Ngoài ra, có nhiều bạn bình thường đi học rất chăm nhưng lại thích nghỉ những ngày cuối của môn học. Điều này không nên đâu bởi vì những ngày cuối cùng của môn học thầy cô thường sẽ ôn tổng quát các kiến thức sẽ ra thi nên bạn đừng bỏ lỡ những buổi học trước ngày thi nhé!
2. Chép bài đầy đủ
Trong 12 năm học, mỗi khi đến trường chúng ta đều phải chép bài đầy đủ bởi vì thầy cô sẽ kiểm tra tập đúng không nào? Khi lên đại học, giảng viên sẽ không kiểm tra tập bạn đâu nhưng bạn vẫn nên giữ thói quen này nhé! Khi bạn ghi bài tức là não bạn đang tiến hành ghi nhớ chúng đấy. Việc này sẽ giúp bạn lỡ có quên học bài thì ít nhất khi đọc đề thi bộ não của bạn vẫn sẽ tuôn ra được ít chữ đó. Thà viết còn hơn bỏ trống đúng không nào.
Ngoài ra, việc ghi chép bài sẽ giúp bạn dễ dàng tìm kiếm nội dung để ôn tập. Không chỉ vậy, những môn thi đề mở thì bạn phải ghi chép đầy đủ mới mở được đúng không nào. Những bạn ghi chép đầy đủ bài giảng và phần mở rộng của giảng viên sẽ giúp cho bạn đạt được điểm cao từ các thầy cô đấy.
3. Đọc hiểu bài trước ở nhà
Khi lên đại học thì đọc bài trước là một việc rất cần thiết để giúp bạn tránh việc dồn bài vào các kì thi. Khi bạn đọc trước và đã hiểu nội dung của ngày hôm sau học thì lên lớp bạn sẽ không ấp úng khi bị giảng viên hỏi bài đâu. Việc đọc hiểu còn giúp bạn in sâu kiến thức vào não bộ. Khi bạn đọc hiểu tức là đã học bài 1 lần và hôm sau lên lớp bạn nghe giảng và chép bài là bạn đang học bài lần 2 đó. Điều này sẽ giúp bạn nhớ kiến thức đến khi thi luôn nên trước ngày thi bạn chỉ cần ôn bài lại là được rồi.
4. Tích cực phát biểu
Cũng như các cấp dưới, thầy cô Đại học rất thích những bạn hay xung phong làm bài, trả lời câu hỏi và đặt câu hỏi lại cho giảng viên. Điều này cho giảng viên thấy bạn có hiểu bài, nghe giảng và đi học đầy đủ. Ngoài ra, việc đặt câu hỏi sẽ làm cho thầy cô thấy được sự yêu thích của bạn đối với môn học này, vì vậy bạn sẽ ghi điểm rất lớn trong mắt thầy cô và chắc chắn thầy cô sẽ tạo điều kiện cho bạn lấy điểm cộng và gỡ điểm để nâng cao GPA của mình đó.
5. Luôn năng nổ trong các hoạt động
Tích cực tham gia các hoạt động không chỉ giúp bạn mở rộng mối quan hệ của mình mà còn giúp bạn có khả năng cao giật lấy học bổng. Khi lên đại học chỉ học thôi mà không tham gia các hoạt động của trường thì bạn sẽ rất khó giành học bổng để đỡ đần cha mẹ trong khoản học phí.
Ngoài ra, tham gia nhiều hoạt động sẽ giúp bạn có thêm kỹ năng sống và tạo dựng được các mối quan hệ. Từ đó, bạn sẽ gặp được nhiều bạn bè và giao lưu trao đổi nhằm giúp bản thân ngày càng tốt hơn.
6. Không dồn deadline
Lên đại học thì việc chạy deadline không còn là xa lạ với các sinh viên nữa đúng không nào? Bởi vì hầu như các môn học đều phải làm việc nhóm, làm báo cáo nên việc để dồn deadline các môn cùng một lúc sẽ khiến cho bạn bị quá tải. Điều này sẽ làm cho bài của bạn không có đầu tư và không đạt điểm cao đâu. Vì thế, bạn nên bắt tay làm ngay khi nhận đề tài môn học để có thể hoàn thành sớm và dành thời gian chạy deadline cho các môn khác nữa nhé!
7. Teamwork
Đại học là một xã hội thu nhỏ và có rất nhiều con người với tính cách khác nhau. Vì thế, bạn nên chú ý những chi tiết của từng người trong lớp vào buổi học đầu tiên để có thể lựa chọn các thành viên thật tốt cho team mình nhé! Các thầy cô đại học rất đề cao việc làm teamwork và điểm này cũng chiếm phần rất lớn trong tổng điểm môn học. Vì thế bạn nên lựa chọn sáng suốt và nên giành quyền lựa chọn vào tay bản thân chứ không nên là người bị chọn nha!
Một điều nữa, mình khuyên các bạn không nên tạo team toàn là bạn thân, bởi vì khi chơi thì rất dễ nhưng khi bắt tay vào làm việc sẽ dễ nảy sinh xung đột về ý kiến. Nếu không giải quyết một cách khéo léo thì có thể bạn sẽ đánh mất tình bạn của mình đó. Ngoài ra, mình sẽ chỉ các bạn một mẹo chọn team tốt nè. Bạn nên chọn những người năng nổ trao đổi với giáo viên hoặc ngồi ở 3 bàn đầu tiên. Bởi vì những bạn chọn bàn đầu là những người muốn tập trung nghe thầy cô giảng và muốn đạt điểm cao trong môn học.
8. Cân bằng giữa việc học và làm thêm
Rất nhiều bạn sinh viên sau khi lên đại học mải miết với việc làm thêm và bỏ bê việc học. Điều đó khiến các bạn bị rớt môn, nợ môn và dẫn đến việc chán nản, bỏ học. Vì vậy, bạn cần cân bằng giữa hai việc này và nên sắp xếp sao cho bản thân có đủ thời gian dành cho việc học. Bởi vì, việc học vẫn quan trọng hơn đúng không nào? Bạn đi kiếm tiền trang trải cho việc học nhưng lại để nợ môn thế là phải đóng tiền học lại, thi lại. Vậy mục đích bạn làm thêm là gì?
Vì thế, chúng ta nên tập trung hoàn toàn vào việc học hoặc vừa học vừa làm nhưng chọn những việc làm part–time hoặc thời gian làm việc tự do để không gây ảnh hưởng đến việc đi học.